Không đỗ đại học, tôi vẫn chọn được con đường của mình
Tôi là con út trong một gia đình đông anh em. Nơi tôi sinh ra thuộc huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, với chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống ở những thung lũng nhỏ. Là con út nên từ nhỏ tôi không phải làm gì cả, từ việc giặt giũ hay nấu nướng đều chị gái tôi làm hết. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm đềm như thế...
Cho đến năm tôi học hết cấp II, do xã không có trường THPT nên tôi phải lên huyện học. Quãng đường từ huyện về nhà tôi dài gần 40km đường đồi núi nên việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn, thế là tôi phải xa nhà lên huyện ở trọ đi học.
Ngày nhập trường cũng là ngày tôi phải xa gia đình. Những ngày đầu tiên có rất nhiều thứ mà tôi chưa thể nào quen được, từ việc nhỏ nhất là nấu ăn mỗi ngày, tôi cũng phải nhờ người khác nấu giúp, rồi lại giặt giũ quần áo... Cứ thế, phải mất nửa tháng tôi mới có thể tự nấu cơm, giặt quần áo cho mình.
Dù xa nhà nhưng hàng tuần bọn tôi lại về nhà một lần lấy gạo, tiền lên đủ cho tuần tới. Cuộc sống cứ thế trôi đi, cuối cùng cũng đến lúc mà thời học trò bọn tôi chỉ còn tính bằng ngày. Tôi làm hồ sơ thi tại trường của tỉnh vì tôi thấy học lực của mình cũng không tốt lắm, sợ thi những trường có tiếng sẽ không đủ sức.
Tôi thi mỹ thuật nhưng không may mắn vì thiếu mất 2 điểm. Vậy là hết, tôi không còn cơ hội đi học nữa vì gia đình không khá giả gì để chu cấp cho tôi tiếp tục đi ôn thi lại. Vừa chán vừa hổ thẹn với gia đình, tôi chẳng muốn còn đi đâu, cứ quanh quẩn ở nhà.
Rồi đến một ngày, có trường Trung cấp Công nghệ Thông tin gửi giấy báo học. Tôi nghĩ từ nhỏ không biết vi tính là gì thì làm sao mà học công nghệ thông tin. Nhưng thấy tôi buồn vì thi trượt, lại có giấy báo này nên bố mẹ an ủi và bảo tôi theo học xem sao. Tôi thấy có ngành Đồ họa Đa truyền thông nghe cũng hợp với mình. Thế là tôi khăn gói lên Hà Nội...
Ngồi xe bốn tiếng đồng hồ, tôi lần đầu tiên được ra Hà Nội, không quen biết ai, không có người thân đi cùng. Lúc đấy tôi cảm thấy rất lo sợ, việc băng qua đường cũng là cả một vấn đề lớn. Tôi đi xe ôm đến trường để làm thủ tục nhập học.
Làm xong thủ tục, tôi mới nhớ ra là mình chưa có nhà trọ. Làm thế nào bây giờ? Không tìm được nhà trọ thì mình sẽ ở đâu? Tôi không quen biết ai cả, mọi thứ đều lạ lẫm, phải làm sao bây giờ? Hết buổi sáng, rồi buổi chiều, khi những ánh nắng tắt dần, nỗi lo của tôi lại càng nhân lên gấp bội. Lúc bấy giờ, tôi chỉ nghĩ đến nhà mình, sao mà ấm áp thế không biết.
Và rồi may mắn cũng đến với tôi, một người bạn cũng học cùng trường đang tìm người ở cùng. Người bạn đó đưa tôi đến một ngôi nhà ở gần trường. Tôi không thể ngờ Hà Nội lại có căn nhà như vậy: lụp xụp, có mỗi cái cửa nhỏ để ra vào. Nhưng thôi, có nhà ở là tốt lắm rồi.
Những ngày đầu, bọn tôi vẫn còn tiền mang theo lúc lên nhập trường, chi tiêu ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ không giống ở quê. Rồi những ngày cuối tháng, bọn tôi đứa nào cũng cạn sạch ví, mà phải mấy ngày nữa gia đình mới gửi tiền ra. Hết tiền, lại không quen biết ai, thế là cả bọn ở nhà nấu nước lên mà uống, đêm đói không ngủ được. Lúc đó tôi chỉ thèm được ở nhà cùng với bố mẹ, được ăn no ngủ ấm.
Ngày hôm sau, cậu bạn ở cùng phòng trọ mang chứng minh thư nhân dân đi cắm được 10.000 đồng. Cả bọn đi mua gạo nhưng nấu cơm lên không có thức ăn, sẵn có mấy quả khế ngọt bà chủ nhà cho, bọn tôi ăn cùng với cơm vừa ăn vừa nghĩ liệu còn có gì tồi tệ hơn thế này không?...
Hai năm học ở Hà Nội cũng trôi đi khá nhanh. Rồi ngày mà chúng tôi học xong, thi tốt nghiệp cũng đến. Do tôi chăm chỉ học và đam mê vi tính nên kết quả thi cũng khá tốt. Tôi ra trường và xin vào làm thiết kế tại một công ty quảng cáo. Đã một năm trôi qua kể từ ngày tôi đi làm. Mặc dù chưa có tiền gửi về cho gia đình nhưng tôi cũng không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa.
Xin được gửi lời cảm ơn tới bố mẹ, bà và anh chị cùng thầy cô đã tạo điều kiện và giúp tôi có ngày hôm nay, dù chưa thành công nhưng tôi cũng tìm được cho mình một lối đi. Trong tôi giờ vẫn văng vẳng lời của sếp nói hồi sáng: "Sang tháng anh sẽ tăng lương cho em".